Tin tức mấy ngày này làm mình nhớ tới lần đầu tiên học về các lý thuyết Hiệu ứng truyền thông (Media Effects Theory). Lý thuyết được đề cập đến đầu tiên là hiệu ứng MŨI TIÊM TIÊM THẲNG (vô não) (#hypodermic_needle theory). Lý thuyết này cho là các sản phẩm/ thông tin truyền thông đại chúng sẽ tác động thẳng tới suy nghĩ và hành vi của công chúng (audience).
Lớp chúng tôi đã phì cười ngay khi nghe giải thích về lý thuyết này, trên slide của thầy có kèm cái hình ống kim tiêm đang tiêm vô não audience – trông hết sức là ngớ ngẩn. Chúng tôi không tin, và trong đầu tôi lúc đó hiện lên 3 chữ “lỗi thời rồi”. Thường thì khi học về sự phát triển của các lý thuyết, cái nào được giới thiệu đầu tiên là cái xa xưa nhất và sẽ bị những cái sau bác bỏ dần.
Nhưng khi thầy bảo hãy cho ví dụ, thì chúng tôi giật mình. Có vẻ như hiệu ứng này được “tin-dùng” từ rất lâu thời xa xưa cổ đại và cho tới hiện đại bây giờ. Nó đã được đưa ra để giải thích cho tất cả các vấn đề xã hội, từ ăn nhiều gây béo phì, tiêu thụ quá mức đến việc gia tăng sử dụng chất, và các tội ác !#^&!@*^$ khác nữa. Ví dụ, năm đó, vấn đề bạo lực đang là vấn đề “nóng”, nên phụ huynh & chuyên gia đang cho rằng chính INTERNET giúp những văn hoá phẩm cổ suý bạo lực kiểu Âu-Mỹ đã khiến “giới trẻ” có xu hướng nóng nảy, dùng bạo lực để làm anh hùng. Truyện tranh cũng bị lôi vô để chịu tội. Ngặt nỗi, tôi nhớ thời cấp 3 của mình thì em trai tôi và các bạn cùng lớp xem Người trong Giang Hồ của Trịnh Y Kiện hoặc các pha đánh nhau bảo vệ mỹ nhân kiểu phim truyền hình của Hàn; truyện tranh thì hiếm đứa nào đọc truyện “tây” như Tintin hay Marvel, mà toàn là đọc truyện Nhật . Chỉ có nhạc là nghe Rock Âu Mỹ “xăm trổ” thật, nhưng lúc đó chỉ có phim, truyện, game và tạp chí bị định tội.
Tất nhiên, các thuyết hiệu ứng truyền thông sau này đã đưa ra những cách giải thích khác nhau về tác động của truyền thông đến công chúng, và bác bỏ tác động trực tiếp này. Đối với hành vi của con người, khoa học cho thấy đó là một cơ chế phức tạp của nhiều tương tác, của những đặc tính cá nhân và những mối quan hệ xã hội khác nhau, đó là cả một quá trình gồm nhiều diễn biến. Học võ, hay đóng phim bạo lực hoặc xem nhiều phim bạo lực, hoặc đọc nhiều tin tức bạo lực không “giúp” trở nên bạo lực hơn (hoặc bớt bạo lực đi). Xu hướng bạo lực, ở mỗi một trường hợp có thể có những nguyên nhân khác nhau.
Và vì thế, lý thuyết Mũi Tiêm Tiêm Thẳng này bị chỉ trích như một kiểu “con dê tế thần” để đổ lỗi cho mọi vấn đề xã hội, cho những hành vi không tốt của con người. Lịch sử không thiếu các ví dụ như vậy.Chỉ trích cái thuyết nào đó thì dễ dàng lắm. Hoặc chỉ trích truyền thông thì lại càng dễ hơn vì chẳng cần biết thuyết nào cả. Nhưng rồi sau tất cả, vấn đề vẫn sẽ còn đó.Và cả cách chúng ta phản ứng với truyền thông nữa, nó cũng là thông điệp truyền thông đến những người xung quanh. Có khi nào, tác động của “cách chúng ta phản ứng với truyền thông” sẽ còn mạnh mẽ và trực tiếp hơn một phương tiện truyền thông đại chúng có thể làm?
.:: Cọp Giấy ::.
—-Chú thích hình: Nguồn từ Freepik. Nhắc mình nhớ rằng mình đã từng xem thấy ánh mắt đó, và hiểu rằng có những khi khao khát chỉ là được một cây kẹo, và polipop màu hồng cũng đủ là một hạnh phúc để ta ở lại cuộc đời này rồi.
