
Tuần này là buổi thảo luận đầu tiên của lớp chuyên đề Lý thuyết Giáo dục. Chủ đề thảo luận đầu tiên là Situated Learning Theory (Lave, 1991), bàn về learning communities, Communities of Practice. Sau buổi học, mình dành cả ngày để xem lại tất cả các clip và bài viết truyền thông của một bạn sinh viên cũ.
Bạn là sinh viên lớp digital marketing, và cũng là sinh viên mình hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp. Mình không thể nhớ là có lần nào tiếp xúc với bạn ở lớp chưa, chỉ nhớ những email và lần gặp duyệt bài cuối cùng với bạn. Bạn học marketing, và bây giờ thì đang làm nghề “người tiêu dùng”, có tiếng, có tên tuổi, có thương hiệu và có thể nói là thành công. Ngày đó, bạn xuất hiện với những tình huống cần Gv hỗ trợ giải quyết vì bạn trễ hạn nhiều thứ, bạn giải thích đó là vì sức khỏe cá nhân. Cách bạn xuất hiện rất khác biệt, không lòng vòng, không quá cảm tính nhưng rõ ràng và tỏ thiện chí. Đặc biệt, bạn tôn trọng Gv một cách thẳng thắn – không phải kiểu “tôn sư trọng đạo”, mà là kiểu tôn trọng đối tác đồng nghiệp trong công việc vậy. Mình biết bạn đã bắt đầu sự nghiệp từ khi còn là sinh viên, nhưng bạn chẳng tỏ ra mình bất chấp việc học hành, và cũng chẳng nỗ lực để học xuất sắc gì. Vừa đủ, cân bằng, đủ rồi.
Điều mình nghĩ về bạn lúc đó, và khó có thể quên được, là vì mình cảm giác thực sự việc học ĐH đối với bạn có cái gì đó không phù hợp, nhưng nói là bạn không cần thì cũng không đúng. Ví dụ như môn Digital Marketing của mình đi, dù mình đã chú trọng vào digital mindset và các chiến lược hơn là nói về công cụ, cũng như đã tạo nhiều mức độ trải nghiệm khác nhau cho Sv các trình độ của một lớp, nhưng với một vlogger như bạn lúc đó, mình có cảm giác như có một cái gì đó cấn cấn, thiếu thiếu và không khớp với nhau.
Lớp học thì đã kết thúc từ lâu, nhưng bạn vẫn từng bước thăng tiến trên con đường của bạn.
Buổi học tuần này, mình được tìm hiểu và thảo luận cách tiếp cận của Lave (1991). Lave đã lập luận và chỉ ra những vấn đề của giáo dục thời hiện đại này. Một trong những lập luận của Lave là chỉ ra hiện tượng commoditification (hàng hóa hóa) con người. Đó là khi chúng ta, xã hội chúng ta thừa nhận và thúc đẩy con người trở thành hàng hóa: sức lao động là hàng hóa, trao đổi trên thị trường lao động. Mà trớ trêu hơn nữa, là gần 150 năm sau Marx, và 30 năm sau Lave, thì cái sự hàng hóa hóa con người vẫn diễn ra sâu rộng, còn cái sự NHÂN HÓA hàng hóa – đồ vật – máy móc thì tiến hóa lên bậc cao.
Trường học, nhất là trường ĐH, ở nhiều nơi trên thế giới vốn đã tiêu chuẩn hóa đầu vào – đầu ra, lại nhận lấy một vai trò tích cực để đóng tem – xuất xưởng những “hàng hóa” lao động này, điều chỉnh chương trình theo cung cầu thị trường lao động. Nó làm người ta muốn có việc làm thì phải có bằng ĐH, mà có bằng đại học thôi thì lại chưa chắc có việc làm theo tinh thần cạnh tranh trong thị trường.
Lập luận chính của Lave (cũng là nội dung chính mà mình muốn nói, mà nói ở cuối bài dành cho ai đọc hết bài ) rằng quá trình học (learning process) KHÔNG phải là quá trình chuyển đổi những quan sát và thông tin bên ngoài trở thành tri thức kiến thức bên trong. Mà học hỏi là quá trình tham gia vào cộng đồng thực hành (What is a community of practice? – Community of Practice). Người mới tham gia bắt đầu từ vị trí hợp pháp ngoại vi (Legitimate peripheral participation – Wikipedia), sau đó dần dần tham gia sâu hơn và phức tạp hơn trong việc học. Tức là từ một người bên ngoài, trở thành người mới, rồi trở thành thành viên chuyên gia trong một cộng đồng.
Cách nhìn này giúp mình lý giải được chuyện của bạn sinh viên cũ, và của nhiều trường hợp giống như thế. Mình xem lại các clip của bạn ấy, xem bạn ấy đã tham gia vào cộng đồng ra sao, tuyển được quản lý và nhân viên thế nào, đi khắp thế giới và tham gia các hoạt động như thế nào.
Có thể thấy bạn đã không ngừng học để bản thân có một chỗ đứng trong cộng đồng (như một người tiêu dùng ở cấp độ chuyên gia), thật may là có nhiều thông tin vì bạn chia sẻ rất nhiều về hành trình của bản thân trên các clips. Và mình cũng lý giải được cái chỗ lấn cấn ngày trước, đó là trường ĐH và lớp học của bạn ngày trước đã không phải là một learning community, cũng không phải là community of practice mà bạn cần.
Mình thoáng nghĩ, nếu trong một môi trường community of practice, bạn ấy và mình sẽ có thể chia sẻ kiến thức với nhau, có thể học hỏi cùng nhau. Quả đúng như Lave lập luận, điều này cần sự thay đổi mang tính hệ thống và cấu trúc, không phải chỉ là sự thay đổi về mặt tinh thần hoặc nhận thức. Thay đổi cả mối quan hệ Gv – Sv, một thay đổi rất lớn.