Hai Cuộc Chuyển Đổi Lớn: Internet và GenAI Qua Góc Nhìn Transformation

Mình thuộc thế hệ 8x, cuộc đời đã (và đang) chứng kiến hai sự chuyển đổi lớn của thế giới. Đầu tiên là sự ứng dụng rộng rãi của internet vào giữa những năm 1990s, sau đó bùng nổ với mạng xã hội, và tăng tốc mạnh mẽ của kết nối vạn vật. Và chỉ mới gần 3 năm trở lại đây, mình đang chứng kiến cuộc chuyển đổi thứ hai khi generative AI (GenAI) được phát triển liên tục, thâm nhập vào mọi mặt của đời sống và xã hội.

Và trong cả hai cuộc chuyển đổi này, mình đều theo kịp, chưa bị bỏ lại phía sau. Như một “nhân chứng”, mình từng chứng kiến nhiều phản ứng khác nhau trong hai hiện tượng này. Trước một điều gì mới, mỗi người sẽ nhìn nhận hiện tượng đó theo những góc nhìn khác nhau. Và góc nhìn này ảnh hưởng đến những quyết định và hành động của họ.

Bốn góc nhìn trước mỗi làn sóng công nghệ

✅️ Nhóm Hoài nghi (skepticism) sẽ đặt câu hỏi về hiện tượng này với sự nghi ngờ và thường phủ nhận tầm quan trọng của nó. Họ xem những tham vọng về internet hay AI chỉ là ảo tưởng bị thổi phồng, không có tác động thực sự đến đời sống..

✅️ Nhóm Lạc quan (Optimism)✅️ Nhóm Bi quan (Pessimism) đều nhìn nhận hiện tượng này có thật, là một vấn đề quan trọng. Nhưng nhóm Lạc quan sẽ nhìn thấy những mặt tốt và lợi ích, còn nhóm Bi quan sẽ đầy lo âu cho sự thay đổi và những hệ lụy sắp xảy ra.

✅️ Nhóm có quan điểm Transformation và Flows: nhìn nhận hiện tượng này là một sự chuyển đổi tất yếu, tạo ra những dòng chảy mới về văn hóa, thông tin, mối quan hệ và nguồn lực. Nhóm này không chỉ quan tâm đến việc đánh giá tốt-xấu mà tập trung vào việc thích ứng và chuyển mình trong dòng chảy đó.

Thật ra, bốn góc nhìn này không phải do mình tự phát hiện, mà được trích dẫn từ quyển sách “Global Transformation” của David Held & Anthony McGrew. Mặc dù quyển sách viết về hiện tượng Toàn cầu hóa, nhưng bốn góc nhìn này hoàn toàn có thể áp dụng cho bất kỳ làn sóng thay đổi lớn nào trong xã hội, đặc biệt là những làn sóng công nghệ như internet và GenAI.

Từ “Lạc quan” đến “Transformation”: Hành trình cá nhân

Trước đây, mình tưởng bản thân thuộc nhóm Lạc quan, vì cả với internet, mạng xã hội hay GenAI thì mình đều tích cực chủ động đón nhận nó và tích hợp nó vào cuộc sống. Nhưng theo thời gian, mình nhận ra rằng bản thân thuộc nhóm thứ 4, Transformation. Mặc dù cả bốn góc nhìn đều có giá trị và không có góc nhìn nào “đúng đắn” hay “tốt đẹp” hơn, nhưng mình lại có nhiều trải nghiệm phong phú và sâu sắc hơn trong góc nhìn transformation.

Với góc nhìn transformation, mình vẫn luôn ý thức được những thách thức của thế giới số: của những identity bị nhân bản quá mức và phân mảnh, của những rào cản phân biệt trong xã hội số, của một thế giới chạy theo data như “mỏ dầu mới” của thời thực dân, của sự phân cực thông tin sâu sắc, và nhiều nữa.

Mình cũng biết nhiều người đang đặt câu hỏi về GenAI sẽ thay thế con người, thống trị con người. Nhưng tất cả những điều đó lại không làm mình sợ hãi. Và càng không vì nỗi sợ mà phủ định, ngó lơ đứng ngoài cuộc, hoặc anti internet hay AI.

Từ lý thuyết đến thực hành: Áp dụng góc nhìn Transformation

Mình còn nhớ, năm 2010 mới bắt đầu giảng dạy, bắt đầu với môn E-marketing (Digital Marketing), một môn học chỉ có 6 buổi học. Và từ đó cho tới nay, thay vì tập trung vào việc dạy các kỹ thuật hay kỹ xảo với các công cụ số, mình chọn hướng đi khác. Mình chưa bao giờ dạy các kỹ thuật hay kỹ xảo với các công cụ… Có những buổi workshop hoặc ngoại khóa training cho việc ấy, nhưng nội dung chính của môn học là về marketing mindset, về bản chất của môi trường số, về xác định một vai trò của marketing trong môi trường số, về tư duy data driving và ra các quyết định, về các mô hình kinh doanh và ecosystem. Vì vậy nên 15 năm nhìn lại, mình thấy thật may vì những kiến thức đó vẫn thực sự là nền tảng, dù cho có thêm tools mới hay applications mới ra đời mỗi ngày.

Còn với làn sóng GenAI hiện nay, mình lại đang quan tâm nghiên cứu đến human-centered AI collaboration (HCAIC), sự hợp tác giữa AI và con người và xa hơn là sự hợp tác mạng lưới giữa các AI, các con người và con người với AI. Mình đang học cho chính mình kỹ năng và phương pháp để hợp tác, và quan tâm đến cách con người “sinh tồn” trong sự chuyển đổi này. Mình không phủ định cũng không quá mê hoặc bởi AI, mà chỉ nhận ra rằng thế giới đang thay đổi.

Đó là góc nhìn của transformation. Không chỉ là thích ứng mà còn là chủ động chuyển mình.

Transformation: Không chỉ là thích ứng mà còn là chủ động chuyển mình

Internet bùng nổ những năm 1990, GenAI bùng nổ những năm 2020. Nhưng nghiên cứu về nó đã có trước đó 50 hay 70 năm rồi. Ý tưởng về một thế giới như vậy thậm chí đã có từ xa xưa hơn thế. Nhưng khi nó đến, thực sự vẫn còn quá nhiều điều con người chưa biết đến. Và cũng không biết làm gì với nó.

Góc nhìn của nhóm transformation sẽ tập trung vào việc CHUYỂN, BIẾN, ĐỔI. Nên ngoài việc HIỂU, nhóm này sẽ HÀNH ĐỘNG cho việc biến đổi này. Có lẽ vì vậy mà nhóm này không bị bỏ lại phía sau, cũng không thể đứng bên lề của sự thay đổi.

Thế giới đang thay đổi, kể cả ta không làm gì thay đổi thế giới thì thế giới cũng có người đang tiếp tục thay đổi. Vì vậy nên có một lực ép rất mạnh để buộc mỗi người phải thay đổi. Nhóm transformation không nhất thiết phải là những người đang dẫn đầu làn sóng, mà có thể là bất kỳ một cá nhân nào. Chỉ cần họ đang ý thức được những biến đổi, và tìm cách để bản thân thích ứng, tích hợp công nghệ mới, có những hành vi thói quen mới, trang bị thêm kỹ năng mới.

Trải qua hai làn sóng công nghệ lớn – internet và GenAI, mình nhận ra rằng góc nhìn transformation không chỉ giúp mình bắt kịp những thay đổi mà còn cho phép mình đóng góp một phần nhỏ vào dòng chảy đó. Nó không phải là sự lạc quan mù quáng trước công nghệ, cũng không phải là bi quan thái quá về những rủi ro, mà là sự chấp nhận thực tại thay đổi và chủ động hành động để thích ứng.

“Transformation không tự động (automatic) mà có. Transformation là được học, được dẫn dắt (mà thành).”

Edwards Deming

Và mình tin rằng, trong thời đại của những chuyển đổi nhanh chóng này, việc học hỏi và dẫn dắt bản thân qua những biến đổi không chỉ là một lựa chọn mà còn là một kỹ năng sống còn. Dù thuộc nhóm nào trong bốn nhóm kể trên, thì thế giới không chờ đợi ai cả, nhưng mỗi người luôn có thể chọn cách mình phản ứng và thích ứng với nó.

.:: Thuý Vy Thích Học ::.