Ký sự Tôi và AI · April 19, 2025 0

Ký sự Tôi và AI #1: Giới hạn lớn nhất chính là trình độ của con người

“AI hiện tại không thay thế con người, vì nó không thể vượt qua được con người sử dụng AI”

cộng sự của tôi đã kết luận

Ngày thứ ba cộng tác trong một dự án multimedia mini, cộng sự của mình kết luận: “AI hiện tại không thay thế con người, vì nó không thể vượt qua được con người sử dụng AI”

Hay nói một cách khác, “người không có (chịu) tư duy, thiếu hụt kiến thức và chuyên môn cơ bản, thì không dùng AI được”

Đây là một dự án nhỏ, nhưng tụi mình làm từ việc viết lời nhạc, làm nhạc, hình ảnh, dựng animation và các khâu production cuối cùng. Tụi mình huy động các ứng dụng AI đang khá mạnh và thịnh hành vào dự án này. Mỗi người sẽ thảo luận với AI của mình, và thường xuyên thảo luận với nhau.

Ban đầu, tụi mình chỉ đưa các yêu cầu và hướng dẫn, để cho AI tự render nhạc và hình ảnh. Kết quả cực kỳ xa vời với yêu cầu và mong đợi. Gần một ngày trôi qua mà không làm được gì, tụi mình quyết định sẽ phải nghiêm túc hơn với dự án. Cộng sự của mình mở piano ra, mình mở laptop lên. Nghiêm túc cùng soạn nhạc, soạn lời với AI. Ngoài prompt, còn có reference. Các feedback phải rõ ràng và phải có thứ tự trước sau. Nhạc được hoàn thành trong vòng chưa đến 30 phút. Storyboard và bản phân cảnh hình ảnh chi tiết cũng được soạn để tụi mình phối hợp với nhau. Mình tạo hình, cộng sự tạo animation, mỗi người làm việc với cộng sự AI chuyên môn riêng.

Dù chỉ là mini project, nhưng tụi mình đã phải vận dụng hết chuyên môn về đạo diễn, 2D – 3D graphic design, nguyên lý thị giác, cấu trúc cơ thể người, tổ chức dữ liệu (hình ảnh, tư liệu lịch sử). Và cả cross-functional teamwork, leadership, các kỹ năng giao tiếp trong công việc.

Mình nhớ đến hiệu ứng “Garbage in, Garbage out” (GIGO, hoặc RIRO) trong ngành computer science. Nếu thông tin và yêu cầu đầu vào mơ hồ, không rõ ràng, dữ liệu nghèo nàn thì kết quả đầu ra sẽ tệ hại và không dùng được (trở thành rác).

Thiết lập hiện tại cho phép sự cộng tác để thực hiện công việc của con người, nhưng phụ thuộc vào yêu cầu và quyết định của con người. Trong khi các nhà phát triển phần mềm tập trung vào phát triển công nghệ và các mô hình thuật toán để AI làm được việc phức tạp, thì thực ra kết quả công việc lại phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng và kiến thức của người sử dụng.

Vậy nên, có thể là cùng sử dụng một ứng dụng AI nào đó, nhưng kết quả sẽ lại khác nhau. Mọi người đều sẽ làm ra được một bản nhạc, nhưng một số thì đúng với mục đích và mong đợi, một số thì làm mãi vẫn không đúng, và có lẽ một số rất nhiều cũng chẳng biết đó có phải là nhạc hay không.

Giống như hình screenshot này vậy, vì GIGO là một slang có vẻ hơi đường phố chợ búa, nên Google Germini đã lịch sự và (dài dòng) hơn, bảo với những user đang muốn có ảnh đẹp mà thiếu kiên nhẫn rằng: GIỚI HẠN DUY NHẤT CHÍNH LÀ BẠN ĐÓ, HỠI CON NGƯỜI THIẾU SÁNG TẠO (mà cứ đòi phải có hình đẹp, kết quả đẹp)

Để AI “lên tay”, người dùng phải “lên trình” trước!!! Với thiết lập luật chơi như hiện tại, con người cần nhiều kiến thức nền tảng và kỹ năng bậc cao để có thể làm việc. Có lẽ sẽ có người bị đào thải, nhưng không phải bởi những con AI, mà là bởi những người khác có đủ chuyên môn để làm việc với AI.

.:: Thuý Vy thích học ::.