Hôm nay là World Sleep Day, mình đi học NGỦ.

“Rất nhiều người không thể ngủ một cách bình thường. Và rất nhiều người ngủ, nhưng ngủ và ngủ một cách chất lượng là những việc khác nhau.”
Jan-Ya Wen, NCCU Sleep Lab
Lớp này do trung tâm chăm sóc và tham vấn tâm lý của trường mình tổ chức cho sinh viên quốc tế.
Để tổng kết, thì có lẽ bài học tâm đắc nhất có lẽ là câu này:
“Bạn không cần phải là Cô bé Lọ Lem” (để vội vã chạy về nhà ngủ trước lúc nửa đêm).
Jan-Ya Wen, NCCU Sleep Lab
“Ngủ ngon” không phải là một cơ chế công tắc ON/OFF. Mỗi người có một nhịp điệu sinh học riêng, và một sinh hoạt riêng mỗi ngày. Ví dụ những “cú đêm” nếu không phải có việc dậy vào sáng sớm thì không phải cố đặt báo thức ép mình dậy sớm, nên kéo rèm kín cửa sổ để không bị nắng sớm đánh thức vào buổi sáng.
Thực ra mình đã tưởng tượng đây là một workshop thực hành, nhưng rồi đó là một buổi chia sẻ chuyên sâu về tâm lý trị liệu. Các Sleep Tips được đưa ra khi đã tìm hiểu về những nghiên cứu về “chất lượng giấc ngủ”, “thời lượng ngủ”, “thời điểm đi ngủ” và các cân bằng sinh hoạt hàng ngày.

Nhiều người không bị mất ngủ, nhưng không có nghĩa là có những giấc ngủ chất lượng. Có những người gặp phải những rối loạn giấc ngủ hoặc những vấn đề nghiêm trọng, nhưng có những người chỉ đơn giản là rất rất lâu rồi không thể có một giấc ngủ sâu.
Thật đúng với chủ đề của World Sleep Day 2025 – Make Sleep Health a Priority, đến lúc cần hiểu và quan tâm nhiều hơn về việc ngủ rồi. Buổi học cũng chia sẻ những tài nguyên, tài liệu và tổ chức hỗ trợ chăm sóc giấc ngủ quốc tế và ở Đài Loan.
Sau buổi học này, mình tự tìm hiểu thì mới biết Việt Nam cũng có các tổ chức chuyên nghiên cứu và chăm sóc sức khỏe giấc ngủ, có Hội y học giấc ngủ và những trung tâm trị liệu các vấn đề về ngủ.
Tan học, có lẽ sẽ không nói Good bye, cũng không nói Happy Sleep Day. Mà sẽ nói: “Chúc ngủ ngon!!!”
Một lúc nào đó, câu chúc ngủ ngon này thực sự quý giá biết bao.
.:: Thuý Vy cũng rất thích ngủ ::.