
Bắt gặp trào lưu biến hóa bản thân thành những “búp bê” đầy màu sắc nhờ AI, mình không khỏi liên tưởng đến những trăn trở về “khủng hoảng căn tính (identity crisis)” trong xã hội số mà các nhà nghiên cứu như Tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc, Nguyễn Thị Hậu, Lê Nguyên Phương thảo luận vào khoảng năm 2021 – 2022. Giữa những hình ảnh rất cute và rất sáng tạo ấy, ẩn chứa một câu hỏi lớn: Bản sắc “TÔI” đang được định hình và thể hiện như thế nào trong thế giới ảo này?
Nhà xã hội học Andreas Reckwitz, trong cuốn sách “The Society of Singularities” (Xã hội của những điểm đơn biệt), đã chỉ ra một sự chuyển dịch căn bản trong logic xã hội. Nếu xã hội công nghiệp tôn vinh sự tiêu chuẩn hóa, thì xã hội hiện đại muộn lại đề cao những “điểm đơn biệt” (“Singularität”) – những gì độc đáo, không thể thay thế. Và không gian số, theo Reckwitz, chính là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng logic này.
Trào lưu ảnh AI “búp bê hóa” chính là một minh chứng sống động. Mỗi người cố gắng tạo ra một phiên bản độc đáo, thu hút sự chú ý trong “nền kinh tế chú ý” (attention economy) mà các nền tảng số tạo ra. Để “nổi bật giữa đám đông” ảo, chúng ta vô tình (hay hữu ý) kiến tạo một “căn tính biểu diễn” (performative identity), một hình ảnh có thể khác xa với con người thật.
Reckwitz cũng lưu ý về vai trò của thuật toán trong việc cá nhân hóa trải nghiệm, tạo ra những “bong bóng lọc” và “buồng vang”. Trong không gian ảo khép kín này, một số khía cạnh nhất định của căn tính được củng cố, nhưng đồng thời, sự tiếp xúc với những góc nhìn đa dạng lại bị hạn chế. Điều này có thể dẫn đến sự phân mảnh trong nhận thức về bản thân, khiến chúng ta khó lòng xây dựng một căn tính toàn diện và linh hoạt.
Hơn nữa, sự “vật hóa” căn tính trong môi trường số cũng là một vấn đề đáng lưu tâm. Hình ảnh và dữ liệu cá nhân trở thành những “vật phẩm” có thể được chia sẻ, bình luận, đánh giá. Việc AI tạo ra những “bản sao” của mình trong hộp đồ chơi càng làm rõ điều này. Liệu chúng ta có đang dần coi căn tính như một thứ có thể được tạo ra, chỉnh sửa và thậm chí là “đóng gói” theo ý muốn?
Một điều thú vị là, trong khi mỗi người đang cố gắng để xây dựng căn tính identity của mình thật rõ nét qua trang phục, tem tag, các phụ kiện, màu sắc và biểu tượng, thì chân dung khuôn mặt hay ngoại hình lại có thể “châm chước” miễn dễ thương là được. Kết quả là thực ra các tạo hình nhân vật đồ chơi lại trở nên giống nhau. Giống như cùng một figure Barbie, với nhiều hộp quần áo phụ kiện khác nhau.
Trào lưu này, dù mang tính giải trí cao, lại vô tình chạm vào một vấn đề cốt lõi: bản sắc của chúng ta đang được hình thành, thể hiện và thậm chí là “nhân bản” như thế nào trong thế giới kỹ thuật số? Những hình ảnh AI tạo ra, dù đẹp mắt và độc đáo, liệu có phản ánh trọn vẹn con người thật của chúng ta, hay chỉ là một phiên bản được “lọc” qua lăng kính thuật toán?
Nhớ lại những cơ sở lý thuyết từ các học giả như Erik Erikson với các giai đoạn phát triển căn tính, hay George Herbert Mead với sự hình thành “cái tôi” qua tương tác xã hội, ta thấy rằng căn tính vốn là một quá trình phức tạp và chịu ảnh hưởng sâu sắc từ môi trường xung quanh.
Trong bối cảnh xã hội số, Manuel Castells đã chỉ ra cách mạng lưới internet định hình lại mọi mặt đời sống, bao gồm cả cách chúng ta xây dựng và biểu đạt căn tính. Sherry Turkle cảnh báo về sự “một mình cùng nhau” (alone together), nơi các kết nối ảo có thể làm suy yếu những kết nối thực và ảnh hưởng đến cảm nhận về bản thân. Zygmunt Bauman với “xã hội lỏng” cho thấy sự bất ổn của các cấu trúc xã hội khiến việc định hình một căn tính vững chắc trở nên thách thức hơn bao giờ hết. Mark Poster thì gợi mở về những hình thức chủ thể mới, đa dạng nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ phân mảnh trong “chế độ thông tin”.
Đặc biệt, mình nhớ đến chia sẻ của TS Nguyễn Thị Hậu, người xem sự phân mảnh căn tính trong xã hội số là một tiến trình liên tục của tạo ra, phân mảnh và kết nối lại. Câu hỏi đặt ra là, khi mỗi chúng ta tạo ra vô số những “cái tôi” trên các nền tảng khác nhau như Facebook, TikTok, Instagram, liệu những mảnh ghép đó có còn khả năng kết nối lại thành một chỉnh thể thống nhất hay không?
Dưới góc độ của Xã hội Số, TS Nguyễn Đức Lộc lại nhấn mạnh một khía cạnh khác: xã hội số là quá trình nhân bản các thế giới. Theo đó, căn tính của mỗi người cũng sẽ được nhân bản lên trong vô vàn những “thế giới” ảo ấy. Vậy, liệu “cái tôi” nguyên bản có còn tồn tại, hay chúng ta đang dần trở thành một tập hợp của những bản sao kỹ thuật số, mỗi bản sao lại mang một hình hài và tính cách riêng biệt? Các bản sao này sẽ phóng chiếu lẫn nhau như thế nào?
Câu trả lời có lẽ vẫn còn bỏ ngỏ, nhưng những thảo luận của TS Nguyễn Thị Hậu và TS Nguyễn Đức Lộc đã mở ra một hướng tiếp cận sâu sắc hơn để chúng ta suy ngẫm về bản chất của căn tính trong kỷ nguyên số đầy biến động này.
Việc AI tạo ra những “bản sao” của chúng ta trong không gian tưởng tượng càng làm nổi bật vấn đề này. Liệu chúng ta có đang dần quen với việc sở hữu nhiều “căn tính số” khác nhau trên các nền tảng mạng xã hội, mỗi phiên bản lại được “chỉnh sửa” và “lý tưởng hóa” theo một cách riêng?
Trào lưu ảnh AI này có thể chỉ là một khoảnh khắc vui vẻ trên mạng xã hội, nhưng nó lại là một lời nhắc nhở về những câu hỏi quan trọng mà chúng ta cần đối diện trong kỷ nguyên số:
Căn tính thực sự (của mình) là gì?
Liệu chúng ta có thể chủ động trong tiến trình tạo ra, phân mảnh và kết nối lại những “cái tôi” số, hay chúng ta sẽ trở thành những “búp bê” được tạo hình bởi những thuật toán và xu hướng? (Và một sự khát khao trở nên ĐƠN BIỆT HOÁ)
.:: Thuý Vy rất thích học ::.