
Học tập không phải chỉ để có kiến thức chuyên môn, hay để tìm thấy những niềm vui và đam mê. Học còn là để tương tác và để sống trong môi trường và cộng đồng.
Mình đã có một cuộc nói chuyện như thế với anh Kenzi sau chuyến đi tiền trạm thực địa đầu tiên ở Hukou. Mình vừa tham gia dự án REAL-X, một dự án thúc đẩy trách nhiệm xã hội của đại học trong việc kiến tạo và xây dựng cộng đồng ở Hsinchu. Thành phố này vốn có lịch sử lâu đời với những làng nghề trọng điểm của Đài Loan thế kỷ 20, như thuỷ tinh, gỗ, xây dựng. Và có 2 trường đại học hàng đầu toàn quốc. Khu Science Park được đặt ở đây là trung tâm công nghệ của quốc gia, vốn được xây dựng theo mô hình thung lũng Silicon của Mỹ, trở thành trung tâm bán dẫn của Đài Loan. Nhưng Hsinchu vẫn là đô thị phát triển trì trệ xuống cấp. Khi hệ thống nông nghiệp và nông thôn sụp đổ, văn hóa đứt gãy, người trẻ đến đây học, nghiên cứu, rồi rời đi.
Hai đại học lớn ở Hsinchu là Dương Minh Giao Thông và Quốc Lập Thanh Hoa, thu hút sinh viên tài năng ở mọi miền đất nước. Đặc biệt là Thanh Hoa vốn gắn với ký ức văn hóa của những thế hệ trước, nên nhắc đến Thanh Đại là người dân rất có cảm tình. Sinh viên quốc tế ngày một đông. Nhưng cuộc sống trong trường quá lý tưởng, như một chiếc bong bóng để sinh viên ẩn náu trong đó. Chuyên tâm học hành, theo đuổi đam mê, rất nhiều sinh hoạt sinh viên lành mạnh, thể thao đa dạng. Đến cả môi trường sinh thái cũng trong lành và phong phú.
Dù là người phương xa hay người Hsinchu, những người trẻ đó dường như chẳng liên quan gì đến những đứt gãy hay trì trệ của thành phố. Giá cả đồ ăn ngày càng tăng, ẩm thực của Hsinchu bị chê thậm tệ, nhưng sinh viên vẫn ăn qua ngày và không biết gì đến hệ thống nông nghiệp sụp đổ và những khủng hoảng ở vùng huyện, ven đô thị, trên núi cao, cũng ở Hsinchu.
Trên các vùng núi, giáp ven các khu công nghiệp, nơi những huyện vắng người đã lấp đầy bởi dòng người di cư. Suốt hơn 30 năm, người nhập cư đến từ các nước Đông Nam Á đã làm những vùng trống đó trở thành nơi đông đúc hơn, có cửa hàng, quán ăn, thời trang làm đẹp, các nhóm nhạc và cả sinh hoạt tôn giáo. Những chuyển biến này chậm chậm từ từ và đang bắt đầu đến điểm bùng nổ. Nhưng sinh viên, cũng là một dạng người di cư, không đi cùng làn sóng đó.
Và rồi, khi tốt nghiệp, những sinh viên này sẽ bước ra khỏi cái bong bóng xã hội lý tưởng của trường học, mà bước vào xã hội.
Tất nhiên, họ có thể chọn cho bản thân một lối sống của chiếc bong bóng công sở – gia đình. Nhưng đó là khi cuộc sống đủ may mắn để chiếc bong bóng mới này vẫn rất lý tưởng. Không chỉ lý tưởng, mà còn cần đủ bền dai để không bị vỡ ra một lúc nào đó.
Một mặt khác, sự lựa chọn lối sống này cũng có thể là sự cô lập bản thân. Nhưng,… Một cá thể không thể phát triển toàn diện trong sự cô lập. Sự phát triển bản thân cần có sự đồng hành và kết nối trong mối liên kết sâu sắc với những người xung quanh.
Cộng đồng và những vấn đề xã hội không phải là một trách nhiệm phải gánh vác, hay sự lựa chọn có gánh vác trách nhiệm đó hay không. Thay vì xem sự gắn bó và kết nối với cộng đồng là một áp lực, thì có thể xem đó là cơ hội để phát triển khả năng quan sát, năng lực giao tiếp, thấu cảm và leadership. Một người thành công không phải chỉ giỏi chuyên môn, mà còn là người có khả năng hiểu và có thể tương tác hiệu quả với người xung quanh.
Gắn kết với cộng đồng không có nghĩa là trở thành vị cứu tinh để cứu giúp cộng đồng (nên khiêm nhường hơn đi). Gắn kết với cộng đồng thực ra là để kết nối bản thân như kết nối cái cây với môi trường sống, với đất, với không khí, với mạch nước ngầm. Để làm giàu vốn sống, để học từ kiến thức cộng đồng, để có thông tin, có những mối quan hệ, có ký ức chung. Tất cả đều cần cho kỹ năng sinh tồn và resilience (kiên cường phục hồi).
REAL-X có mục đích như thế. Trang bị kỹ năng gắn kết cộng đồng là để những người trong cộng đồng có khả năng sinh tồn, chống chịu trước những khủng hoảng. Là khi bong bóng vỡ ra thì không bị sụp đổ hay chìm nghỉm, là khi đứt gãy thì có thể sắp xếp và kết nối. Mà tốt hơn hết, từ đầu đừng nên cô lập bản thân trong bong bóng, mà có thể trở thành một phần của cộng đồng.
Không dễ để gắn kết cộng đồng. Đây là một năng lực phải học và chỉ học được khi có cơ hội. Nên đây là một mục tiêu của giáo dục: một nền giáo dục thành công khi những người được đào tạo biết cách kiến tạo giá trị chung và định hình bản thân trong những liên kết sâu sắc với xã hội.
<Nhật ký điền dã, REAL-X 2025 @Hukou>