Hôm nay đọc được tin nước Mỹ cắt viện trợ thực phẩm cứu đói các quốc gia nghèo. Và có câu hỏi “Tại sao Hoa Kỳ lại phải có trách nhiệm với sự nghèo đói của mấy nước khác?”

Đây là câu chuyện của các ngành nghiên cứu về quốc tế, là ngoài chuyên môn của mình, nên mình không bàn gì cả. Mình chỉ hồi tưởng lại một lớp Nhân học Văn hóa khóa mùa thu 2 năm trước, và tìm thấy những cách giải thích về viện trợ nhân đạo.
Trong lớp đó, tụi mình có một buổi thảo luận về POTLATCH – một văn hóa bản địa của vùng duyên hải Bắc Mỹ.
Đây là một nghi lễ trao đổi quà tặng mang tính quy mô lớn, trong đó người tổ chức potlatch “cho đi” tài sản như một cách để khẳng định quyền lực, danh dự và vị thế xã hội. Điểm nổi bật của potlatch là sự kết hợp giữa tấm lòng hào phóng và những mối nghĩa vụ đền đáp ngầm định. Người giàu có thể tặng quà hoặc phân phát tài sản để “củng cố địa vị” và “buộc người khác phải công nhận quyền lực của họ”. Điều này có thể tạo ra sự phân tầng xã hội hoặc áp lực đối với những người không đủ khả năng đáp trả (và bị ràng buộc “mãi mãi”).
Và đó cũng là một góc nhìn về chính trị và quốc tế: mối quan hệ có đi có lại – sự đáp trả. Tương tự như vậy, có một số lý thuyết khác cũng giải thích viện trợ quốc tế với góc nhìn của sự “có qua có lại” này:
1. Lý thuyết phụ thuộc (Dependency Theory): Lý thuyết này cho rằng viện trợ có thể duy trì sự phụ thuộc của các nước đang phát triển vào các nước giàu, thay vì giúp họ tự chủ về kinh tế.
2. Lý thuyết hiện đại hóa (Modernization Theory): Theo lý thuyết này, viện trợ giúp các nước nghèo phát triển bằng cách thúc đẩy công nghiệp hóa, giáo dục và các thể chế dân chủ.
3. Lý thuyết lợi ích chính trị (Political Interest Theory): Viện trợ không chỉ mang tính nhân đạo mà còn là công cụ để các nước giàu duy trì ảnh hưởng chính trị và kinh tế trên thế giới.
Hoặc như The Gift của Marcel Mauss, một nghiên cứu kinh điển trong nhân học, phân tích cách thức trao đổi quà tặng trong các xã hội cổ đại và ý nghĩa chính trị, xã hội của nó. Theo Marcel Mauss, quà tặng không bao giờ thực sự “vô tư” – khi ai đó nhận quà, họ thường cảm thấy áp lực phải đáp lại theo một cách nào đó. Điều này có thể dẫn đến một mối quan hệ quyền lực, nơi bên cho có thể kiểm soát hoặc gây ảnh hưởng lên bên nhận.
Nếu xem viện trợ như một kiểu POTLATCH hiện đại, thì các nước viện trợ đã dùng quà tặng hào phóng này để khẳng định quyền lực và vị thế với các nước nhận viện trợ. Có rất nhiều ví dụ mà thông qua các viện trợ từ thực phẩm, nước sạch, giáo dục, sức khỏe để các quốc gia viện trợ có thể ảnh hưởng đến quốc gia nhận viện trợ. (Mình không dám ví dụ vì sự hiểu biết có thể còn hạn chế, nhưng nếu search google, lướt wikipedia hoặc hỏi AI thì ví dụ nhiều lắm nha)
—
Cái này thì ngoài lề, như câu hỏi extra mà giáo sư cho chúng tôi về nhà tự tìm hiểu mà không có thời gian thảo luận trên lớp: vì sao POTLATCH từng bị cấm trong gần 70 năm?
Và mình tìm thấy câu chuyện thú vị: POTLATCH từng bị chính phủ Canada cấm vì nghi lễ PHÂN PHÁT quà tặng nó ngược với văn hóa châu Âu vốn đề cao việc TÍCH LŨY của cá nhân.
.:: Tui Thích Học ::.