Đi Học / Research Insights / Tui đi · May 8, 2025 0

Research Insights #3 | Khi những người nhập cư “hiện ra”

Người nhập cư “trông” ra làm sao? Mặc dù chúng ta nói với nhau rất nhiều về toàn cầu hóa, nhưng lại hiểu biết rất ít về người nhập cư. Toàn cầu hóa không phải là chuyện của hàng hóa hay tiền tệ, mà là chuyện của những dòng người di chuyển. Nhưng không phải ai cũng có dịp để “nhìn thấy” và “hiểu” về những người di chuyển này, kể cả những người đang di cư như sinh viên quốc tế chúng tôi đây.

Cuối tháng 4/2025, chúng tôi có một “lớp học” ngoại khóa đặc biệt, là một walking tour 3 tiếng đến Hukou để khám phá “dấu ấn của người nhập cư Đông Nam Á ở Đài Loan”. Suốt chuyến đi, chúng tôi không gặp, cũng không nói chuyện với người lao động nhập cư ở đây, nhưng khám phá cuộc sống và sự hiện diện của họ.

Là một chuyến đi để Hukou (Hồ Khẩu), một vùng thuộc huyện Hsinchu (Tân Trúc). Vùng này có một vị trí địa lý đặc biệt, nằm tiếp giáp giữa đồi núi và đồng bằng, giữa hai tỉnh lớn là Taoyuan và Hsinchu. Nơi đây chứng kiến sự phát triển rất nhanh khi Hsinchu Science Park được thành lập, và ảnh hưởng đến nông nghiệp và văn hóa của địa phương. Nơi đây tập trung nhiều nhà máy và công trường, nên công nhân lao động nhập cư rất đông. Đông nhất là người Việt Nam, tiếp đến là Indo và các nước Đông Nam Á.

Vùng này có cả người lao động có giấy tờ, và cả những người không có giấy tờ. Họ đến để làm việc và lặng lẽ với cuộc sống của họ, nhưng họ không tàng hình. Chúng tôi ghé qua những siêu thị Đông Nam Á, đi qua những con đường bán và trao đổi xe máy cũ, ghé những quán ăn Việt-Thái-Indo, đi dọc những con đường cắt tóc làm nail gội đầu dưỡng sinh nối mi xăm môi. Đến chiều tối thì các sạp quần áo, laptop điện thoại cũ ven đường bắt đầu lên đèn.

Chúng tôi, nhóm sinh viên quốc tế đến từ các nước Đông Nam Á, Ấn Độ, châu Âu cùng với 2 giáo sư Đài Loan, một người hướng dẫn viên là Hoa kiều Malaysia, vừa đi vừa chia sẻ góc nhìn của bản thân về những gì mình thấy, vừa nghe những lý giải từ chính những người bạn Đông Nam Á. Ví dụ như tại sao siêu thị lại có nhiều đường thốt nốt, đường từ dừa và các loại đường khác nhau? Tại sao quán ăn Việt luôn bán các loại nước uống và chỉ có cafe sữa đá? Tại sao xe máy ở đây bày bán nhiều vậy?

Kể cả những câu hỏi khá thú vị và không dễ trả lời chỉ trong vài câu: Tại sao người VN lại cắt tóc nhiều vậy, và mở tiệm cắt tóc nhiều vậy (có con đường với 4-5 tiệm san sát nhau đều là tiệm cắt tóc Việt Nam)? Tại sao các cửa hàng Việt Nam (gọi là siêu thị mini) lại decor theo kiểu cũ cũ như của thập niên 90 hồi đó, trong khi nó thật sự phát triển và kèm rất nhoeeif dịch vụ trong đó?

Từ đó, những điều tưởng chừng rất bình thường lại hiện ra một cách rõ nét hơn. Cho dù cả chuyến đi không gặp hay nói chuyện với người lao động nhập cư nào, thì sự hiện diện của họ vẫn rất rõ ràng, chúng tôi có thể “THẤY” được họ. Họ đã thay đổi nơi này, để lại những dấu ấn tạo nên một Hukou bây giờ. Và chúng tôi cũng “THẤY” được chính mình, những người transnation, đem theo cả hai quốc gia đến đây.

[Nhật ký nghiên cứu người di dân và nhập cư, Hukou tháng 4/2025, tập 1]

—-

Chuyến đi này được tài trợ và tổ chức bởi một dự án nghiên cứu về người nhập cư ở Đài Loan, chủ trì bởi NTHU, với mục tiêu thúc đẩy sự kết nối nhiều bên để nâng cao chất lượng cuộc sống và công việc của người nhập cư. Trong nhiều bên đó, đại học muốn chủ động và đóng vai trò cầu nối, tri thức.