ChatGPT có thật sự gây hại cho não bộ?
Thực hư về nghiên cứu (NC) bộ não con người khi sử dụng ChatGPT. Trong 2 tuần vừa qua, các tờ báo online và mạng xã hội ở VN liên tục chia sẻ về một NC của MIT Media Lab. Các thảo luận nhấn mạnh về tác hại của ChatGPT lên bộ não của con người. Nhưng thực sự bài NC này nói gì?

Trước hết, đây là một NC được đăng tải trên arXiv – một nền tảng truy cập mở, nơi mà các bài báo khoa học được đăng tải lên mà KHÔNG TRẢI QUA quy trình phản biện (peer review). Thông thường, quy trình phản biện này có khi kéo dài hàng năm trước khi được công bố, vậy nên có những NC muốn chia sẻ nhanh chóng kết quả NC sẽ chọn arXiv.
Do đó, vì nhóm tác giả của NC này cũng muốn rút ngắn thời gian này, nên công bố toàn văn trên arXiv để thông điệp nhanh chóng tiếp cận công chúng. Toàn văn dài 206 trang, trong đó bao gồm hơn 50 trang là phụ lục, các bảng số liệu. Có hẳn 2 trang tóm tắt chuyên dùng cho GenAI để GenAI quét cho chính xác kết quả, và có hẳn 1 trang hướng dẫn nên đọc phần nào cho các nhóm độc giả khác nhau.
Để GIẢI THÍCH tường tận NC này, có lẽ sẽ cần dài gấp ba lần, tức là hơn 600 trang. Vấn đề là chẳng ai ngồi đọc 600 trang đó cả (vì nếu có khả năng đọc như vậy thì đã đọc bài NC gốc luôn rồi).
Tuy nhiên, người đọc arXiv phải tự trở thành phản biện cho bài báo và cho chính mình. Nhưng khi bài NC khoa học được các báo chí đại chúng chia sẻ và thêu dệt, sự cẩn trọng trong công bố khoa học không có, đại chúng tiếp cận nó như một loại tin tức, và có thể bị dẫn dắt đến hiểu sai.
Tóm tắt về phương pháp thiết kế nghiên cứu
NC đã làm 4 thí nghiệm, trên 3 nhóm Sinh viên (SV). SV được tuyển chọn từ những trường tốt, ngang trình độ nhau. Được ngẫu nhiên phân cho yêu cầu viết một trong chín đề bài tiểu luận SAT trong 20 phút. Họ ngồi đối diện màn hình máy tính, viết bài khi đeo máy để đo điện não (EEGs). Trước và sau khi viết luận đều có survey và phỏng vấn, lấy cả dữ liệu định lượng và định tính.
Các SV tham gia được chia ngẫu nhiên vào 3 nhóm:
– Nhóm thuần Brain: chỉ sử dụng NÃO của chính mình để viết
– Nhóm có sử dụng Google Tìm Kiếm làm trợ giúp
– Nhóm có sử dụng ChatGPT để làm trợ lý
ở thí nghiệm thứ 4, họ cho nhóm thuần Brain chuyển thành nhóm sử dụng ChatGPT, còn nhóm trước đó dùng ChatGPT bị yêu cầu chỉ được tự suy nghĩ và làm bài luận. Như vậy, họ so sánh được hiệu quả bài luận ở cả 2 nhóm này khi Có vs. Không có ChatGPT.
Kết quả công việc được đánh giá trên cả 3 khía cạnh:
- (1) phân tích ngôn ngữ (NLP analysis) và chấm điểm để đánh giá & so sánh hiệu quả bài luận,
- (2) hành vi TRONG và SAU khi viết luận,
- (3) EEG – bao gồm cả 4 dải EEG để đánh giá neural connectivity và cognitive load.

Kết quả đưa ra là những bằng chứng khoa học rất đầy đủ và chi tiết, NHƯNG không phải là những gì gây “shock” hay “bất ngờ” như báo chí đã giật tiêu đề gây chú ý.
Kết quả EEG: Não bộ hoạt động khác nhau giữa các nhóm
Kết quả cho thấy chỉ có nhóm thuần Brain có connectivity ở các phần nội bộ trong não hoạt động tích cực nhất. Nói đơn giản thì giống như là vận toàn NỘI CÔNG bộ não mà hoạt động trong 20 phút viết luận. Đặc biệt là vận cả trí nhớ (những gì đã có trong não) và trí tưởng tượng (những gì chưa có trong bộ nhớ) để mà VIẾT.
Trong khi đó, nhóm dùng Google lại có liên kết cả bên trong – bên ngoài, cả thần kinh vận động (vì còn phải điều khiển mắt và tay để lướt màn hình tìm kiếm, đánh giá nguồn thông tin tìm kiếm,…). NC chỉ ra rằng đây là pattern quen thuộc của công việc TỔNG HỢP & PHÂN TÍCH THÔNG TIN. Nhóm dùng ChatGPT thì các liên kết về vùng ngôn ngữ, trí nhớ đều yếu hơn.
Đây là một phát hiện quan trọng và thú vị. Với phát hiện này, chúng ta có thể NHIỀU CÁCH kết luận và thảo luận.
🚩🚩1️⃣ĐIỀU MÀ BÀI NGHIÊN CỨU ĐÃ BỎ QUA?
Kết quả này thật ra không chấn động. Đây là một hiện tượng rất thường gặp khi mà so sánh giữa một người phải ngồi VIẾT, một người ngồi TỔNG HỢP thông tin, và một người ngồi làm việc cùng một người khác (và có khi chỉ còn DUYỆT công việc do người khác làm mà thôi). Viết là công việc cần đòi hỏi sự tập trung sâu, vừa suy nghĩ vừa sản xuất ý tưởng. Trong khi tổng hợp thông tin là một một tác vụ đa nhiệm, còn DUYỆT công việc là công việc mang tính chiến lược cần ra quyết định.
Trong NC của mình, nhóm tác giả đã không chỉ ra rằng tính chất công việc của 3 nhóm này là khác nhau. Họ lý giải rằng hoạt động não khi dùng ChatGPT yếu hơn, và kết quả bài luận cũng kém sáng tạo, kém đa dạng hơn. Tuy vậy, trong phần kết quả EEG, họ đã chỉ ra rằng quá trình xử lý của não bộ đã đi theo 3 patterns khác nhau, tương ứng với những mẫu hành vi hoạt động khác nhau. Kết quả này hoàn toàn tương đồng với những nghiên cứu về não bộ trước đó.
Tôi nhận thấy rằng đây là một phát hiện quan trọng và có thể mở rộng thảo luận kết quả ở đây. Với phát hiện này, chúng ta có thể kết luận được gì?
Tuy nhiên, báo chí truyền thông đại chúng và MXH đã gắn nhãn kết quả này, “ngầm”/ “ngụ ý” chỉ ra rằng ChatGPT gây tổn hại đến não. Đọc một cách vội vàng, có thể dẫn tới các hiểu lầm, ví dụ như AI đã gây tổn thương não, AI làm não bị mất khả năng suy nghĩ, v.v.
🚩🚩2️⃣AI CÓ “NGUY HIỂM” KHÔNG?
Trong NC này, nhóm tác giả đặt trong bối cảnh giáo dục, chỉ ra rằng những SV đến trường đến lớp để HỌC cách suy nghĩ và HỌC cách viết ra các lập luận của mình. Thì việc họ phải TỰ HỌC TỰ VIẾT và việc họ chỉ làm được việc TỔNG HỢP thông tin là 2 kết quả khác nhau. Việc chỉ dừng lại ở chỗ tổng hợp thông tin, sẽ dẫn đến “echo chamber”, hiệu ứng buồng vang, khi mà người học chỉ biết gom thông tin rồi sắp đặt lại thành bài, khác gì nhai đi nhai lại những điều đã cũ trong phạm vi tìm kiếm của mình mà thôi. Họ đã không nhận ra được các vấn đề xã hội, bất công, mâu thuẫn khi viết bài luận của mình.
Nhưng đây chẳng phải là những vấn đề của “văn mẫu”, “học vẹt”, “xào nấu” tài liệu sao? Cũng là các vấn đề mà mấy kỳ thi SAT hay IELTS đã luôn lên tiếng rằng SV đạt điểm rất cao nhưng hoàn toàn không có khả năng tư duy cao sao?
Còn khi người đang đi học, chưa biết thế nào là VIẾT, chưa biết cách LẬP LUẬN, mà chỉ ngồi đó yêu cầu một trợ lý viết bài rồi DUYỆT bài thì sao? (hay mở rộng ra, làm sếp mà trình độ có hạn, nhưng ngồi ở vị trí quản lý cấp cao để duyệt công việc từ nhân viên?)
Ở điểm này, bài NC rất thú vị khi có thí nghiệm thứ 4, cho chuyển đổi hai nhóm thuần Brain và nhóm dùng ChatGPT với nhau. Kết quả cho thấy nhóm thuần Brain sau khi được trang bị ChatGPT đã tăng hiệu suất công việc một cách đáng kể, trong khi nhóm dùng ChatGPT từ đầu trở nên bối rối không biết làm gì sau khi bị cắt mất ChatGPT. Trong khi nhóm thuần Brain đã được luyện não và cách viết luận trong 3 thí nghiệm đầu tiên, nhóm dùng ChatGPT lại học được cách để ChatGPT làm việc thay mình, nên đến thí nghiệm thứ 4, nhóm này hết biết làm gì.
Bài NC đã nhấn mạnh 3 lần (trong abstracts, trong findings và trong conclusion) rằng hiệu quả nhất là khi người học được tự mình làm (mà không có ChatGPT) đến khi thành thạo hơn rồi mới học sử dụng AI để hỗ trợ.
Đây cũng là hướng mà nhiều giáo viên đang áp dụng, nhưng nay đã có bằng chứng NC khoa học để giải thích và làm rõ.
🚩🚩3️⃣CON NGƯỜI VÀ NHỮNG CÔNG NGHỆ MỚI
Và chúng ta có thể tiếp tục nghĩ về hệ luỵ khi những người trẻ chưa biết làm việc đã được giao cho một trợ lý làm thay công việc đó, họ sẽ mãi mãi không biết cách làm. Lịch sử loài người là một minh chứng cho điều này. Ngày nay, con người biết ăn mà không biết gì về nông nghiệp, biết dùng máy tính mà không biết cách máy tính vận hành, có thể tạo ra poster hay website mà không biết gì về lập trình – dự án – content – đồ hoạ, duyệt những bản vẽ nội thất lộng lẫy mà không biết gì về xây dựng.
Nhìn ở khía cạnh người làm giáo dục, tôi nghĩ việc cân nhắc đào tạo sinh viên biết cách dùng AI là một việc quan trọng cần làm. Ở góc độ của người tự học, tôi nghĩ mình cũng đã có thêm bằng chứng khoa học để sắp xếp sự học của bản thân cho hợp lý.
Tuy nhiên, ở khía cạnh đời sống, tôi có chút lạc quan vào khả năng sinh tồn qua việc tự học của con người. Giống như chiếc máy cày hay các thiết bị dự báo thời tiết ra đời không làm cho con người không biết làm nông, hay chiếc máy tính điện tử ra đời cũng không làm con người mất đi khả năng làm toán. Khi đối mặt với nhu cầu sống còn của bản thân, con người sẽ tự tìm đường mà học để vượt qua. Khi nhận thấy bản thân “cạn kiệt”, “u mê” và muốn thay đổi bản thân, họ sẽ học. Ở thí nghiệm số 4, nhóm ChatGPT khi bị mất đi người trợ lý, phải tự lực cánh sinh thì tất nhiên sẽ bối rối. Chính lúc đó, họ nhận ra hạn chế của bản thân và sẽ tìm giải pháp cho bản thân.
Tóm lại, lúc mới bắt đầu chương trình học NC, mình rất thích tóm tắt và thảo luận các bài báo NC. Mình nghĩ rằng sẽ rất hữu ích để chia sẻ kết quả NC ra ngoài, dưới một ngôn ngữ phổ thông đại chúng hơn. Tuy nhiên, rất nhanh sau đó mình nhận ra rằng điều này là rất thách thức. Các NC được thực hiện rất cẩn trọng, quá trình công bố cũng có bình duyệt nghiêm ngặt, nhưng truyền thông ra bên ngoài một cách hời hợt sẽ gây hiểu sai hoàn toàn.
Điều đó sẽ chẳng những không phổ cập được kiến thức mà còn gây hoang mang dư luận. Và có vẻ như bài báo này đang “bị” các kênh truyền thông đại chúng sử dụng để tạo tin giật gân như vậy. Nhưng rồi, sau khi sự sợ hãi qua đi, cái mà mọi người nhớ đến là gì. 206 trang của bài nghiên cứu công phu này liệu có được lắng nghe một cách đầy đủ và tạo ra sự thay đổi khi mọi người chỉ tiêu thụ nó như một nỗi sợ mơ hồ?
Một vài thuật ngữ chuyên ngành
Ý nghĩa của các dải sóng EEG
- Alpha: Tập trung nội tại, kiểm soát kích thích bên ngoài.
- Beta: Xử lý thông tin, ra quyết định.
- Theta: Ghi nhớ, sáng tạo.
- Delta: Tổng hợp thông tin, tải nhận thức.
Cognitive scaffolding (hay còn gọi là “giàn giáo nhận thức”) là quá trình cung cấp các hỗ trợ tạm thời nhằm giúp người học hoặc cá nhân giải quyết được những nhiệm vụ đòi hỏi năng lực tư duy cao hơn so với khả năng hiện có của họ. Nói một cách đơn giản, giống như giàn giáo hỗ trợ công trình xây dựng, cognitive scaffolding tạo ra một cấu trúc bên ngoài giúp cá nhân có thể “vượt qua” những khó khăn ban đầu trong quá trình học tập, giải quyết vấn đề, hay sáng tạo ra nội dung mới. Các hỗ trợ này có thể đến từ giáo viên, bạn bè, hoặc thậm chí là các công cụ số như ứng dụng phần mềm và trợ lý AI.
Buồng echo và tác động của AI lên nhận thức AI có thể khiến người dùng rơi vào buồng echo, chỉ tiếp nhận thông tin củng cố quan điểm có sẵn, làm giảm tư duy phản biện.