
Mục tiêu càng xa thì càng khó điều chỉnh. Vì chỉ một điều chỉnh nhỏ ở điểm ngắm cũng sẽ làm kết quả lệch đi rất nhiều.
Mục tiêu càng xa thì càng khó ngắm, vì có khi chẳng nhìn thấy rõ được mục tiêu.
Với mục tiêu ở xa, ngắm 2 lần cùng một điểm không chắc chắn sẽ ra cùng một kết quả. Vì gió, vì ma sát, vì có quá nhiều biến số.
Cung thuật hiện đại sẽ dùng các thiết bị hỗ trợ để cải thiện độ chính xác. Cung thuật truyền thống dùng luyện tập để phát triển trực giác.
Kỳ thi cho thấy ở trình độ cao, cả cung hiện đại hay cung truyền thống đều có thể cho kết quả như nhau.
Nếu kết quả chỉ đơn giản là TRÚNG vs. KHÔNG TRÚNG, thì khi mục tiêu ở xa, việc thay đổi rất nhiều phương án thực hiện (đổi lực, đổi điểm ngắm, đổi thế đứng, đổi cung đổi tên,…) lại có khi cho kết quả không đổi.
Nhưng không phải là kết quả không đổi, mà là do định nghĩa của kết quả quá đơn giản: chỉ có một TRÚNG và vô hạn KHÔNG TRÚNG.
Định nghĩa về kết quả như vậy là không sai nhất là trong thi đấu archery. Vì có quá nhiều biến số tác động nên mục tiêu cần đơn giản hóa tối đa.
Nhưng để phát triển kỹ năng và kỹ thuật, thì cách nhìn này có thể xem là quá hạn chế (và có chút thiển cận). Mỗi một mũi tên bắn trúng hay không trúng đều mang rất nhiều thông tin. Là quỹ đạo, là độ lệch, là sự ổn định, là cơ thể và tư thế của cung thủ.
Kết quả và sự biến đổi không chỉ thể hiện trên tấm bia ở xa, mà còn trên bản thân của cung thủ. Là các cơ xương khớp, là nhịp tim huyết áp, là hơi thở và tâm lý.
Kết quả thi đấu (thường) không phải là kỳ tích ngẫu nhiên khác thường, mà là kết quả của quá trình dài tập luyện. Khi thi đấu, điều quan trọng là thể hiện tốt nhất những gì bản thân đã từng đạt được.
Những bài học này rút ra từ sân đấu archery, nên có thể chỉ đúng với archery. Nhưng mình ở cái tuổi mà mọi sự trong đời cứ liên kết với nhau—chuyện chỗ này cũng là chuyện chỗ kia. Có những điều vốn không mới, nhưng trải nghiệm và thấm thía lại là một hành trình hoàn toàn khác.
[Taoyuan, giải Trường Canh Xạ Tiễn, 18/5/2025]